LNG “đắt khách” như thế nào trên thế giới?

Khí thiên nhiên hóa lỏng (tiếng anh là Liquefied Natural Gas, viết tắt là LNG) đã trở thành một nguồn năng lượng không thể thiếu trên thế giới. Nhận thức sâu sắc vai trò dẫn dắt ngành công nghiệp khí Việt Nam, Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV GAS) đã tiên phong nhập khẩu LNG, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng của quốc gia cũng như thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp trong nước.

Nhu cầu LNG trên thế giới

LNG không chỉ là một “giải pháp môi trường” có tiềm năng, thay thế hữu hiệu các nguồn năng lượng truyền thống, mà còn trở thành một yếu tố quan trọng trong quá trình chuyển dịch năng lượng trên thế giới. Theo Báo cáo LNG Thế giới năm 2022, đã có 40 quốc gia nhập khẩu với 19 thị trường xuất khẩu LNG.

Công trình Kho LNG 1 MMTPA Thị Vải được PV GAS hoàn thành đang hiện thực hóa mục tiêu Việt Nam tham gia vào bản đồ LNG thế giới

 

Các quốc gia tiên phong trong việc chuyển đổi sang sử dụng LNG bao gồm Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ. Các nước này đã ghi nhận mức giảm lượng khí thải đáng kể qua các năm, mở ra hy vọng mới cho ngành công nghiệp năng lượng xanh, phát triển bền vững, tham gia bảo vệ môi trường. Theo các nghiên cứu, việc chuyển đổi từ than sang khí đốt giúp giảm 50% lượng khí thải khi sản xuất điện và 33% khi cung cấp nhiệt (theo IEA, 2019). Bên cạnh đó, các nhà máy điện khí có chi phí thấp hơn so với các nhà máy sử dụng than làm nhiên liệu, quá trình xây dựng và vận hành cũng nhanh chóng và linh hoạt hơn.

Mỹ là một minh chứng tiêu biểu cho việc sử dụng khí tự nhiên trong việc sản xuất điện. Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), vào năm 2022, 40% sản lượng điện ở Mỹ đến từ các nhà máy điện khí, trong khi chỉ có 20% từ các nhà máy sử dụng than đá; phần còn lại bao gồm năng lượng tái tạo (21,5%) và năng lượng hạt nhân (18%). Nhiều quốc gia khác cũng đang tăng tốc chuyển đổi sang sử dụng khí tự nhiên, như Trung Quốc với 10%, Nhật Bản với 21,3% và Hàn Quốc với 18% tổng mức tiêu thụ năng lượng.

Lãnh đạo PV GAS thường xuyên kiểm tra thực tế và giới thiệu hệ thống Kho cảng LNG Thị Vải – biểu tượng mới trong quá trình chuyển đổi đột phá của ngành năng lượng quốc gia

 

Tại Việt Nam, Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, cùng với Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII) của Bộ Công Thương, đã thể hiện quyết tâm phát triển kinh tế đất nước, song song với hiện thực hóa những cam kết của Chính phủ tại Hội nghị COP26, phấn đấu đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Để thực hiện mục tiêu này, nhập khẩu và tiêu thụ LNG chính là ưu tiên hàng đầu của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

PV GAS đánh dấu bước tiến mới trong định hướng năng lượng Việt Nam

Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS) là đơn vị chủ lực của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) – lá cờ đầu ngành công nghiệp khí Việt Nam. Với sứ mệnh phát triển nguồn năng lượng xanh, trong nhiều năm qua, PetroVietnam Gas quyết tâm và nỗ lực theo đuổi các dự án nhập khẩu LNG, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thị trường, bù đắp một phần cho lượng khí thiếu hụt trong nước và thay thế các nguồn năng lượng gây phát thải độc hại cho môi trường.

Công trình Kho LNG 1 MMTPA Thị Vải được PV GAS hoàn thành sau gần bốn năm triển khai xây dựng với nhiều nỗ lực vượt bậc, không chỉ là cơ sở hạ tầng LNG đầu tiên ở Việt Nam mà còn là một ví dụ điển hình cho sự chuyển đổi đột phá của ngành năng lượng quốc gia.

Hệ thống Kho cảng LNG Thị Vải với trọng tâm là Kho LNG 1 MMTPA Thị Vải trong giai đoạn 1 có khả năng tiếp nhận được tàu LNG trọng tải lên đến 100.000 tấn với các hạng mục chính gồm: bồn chứa LNG có sức chứa 180.000 m3, có công suất qua kho là 1 triệu tấn LNG/năm và giai đoạn 2 là 3 triệu tấn LNG/năm; hệ thống trạm giảm áp, trạm nạp xe bồn, và hệ thống đường ống dẫn khí kết nối…

Được thiết kế có độ tin cậy đạt đến 99,9% với hầu hết các thiết bị công nghệ chính được cấu hình với độ dự phòng từ 50 % – 100% cũng như đã vượt qua toàn bộ các kỳ kiểm định cảng (Due Diligence) hết sức khắt khe của các nhà cung cấp LNG trên thế giới như Shell, Cheniere, Qatar Gas…, Kho cảng khi được đưa vào vận hành sẽ luôn đảm bảo an toàn và tham gia cung cấp khí ổn định cho các khách hàng công nghiệp và hộ tiêu thụ.

Cùng với Công trình Kho LNG 1 MMTPA Thị Vải, Kho cảng PV GAS Vũng Tàu có sức thu hút đặc biệt trong hệ thống cảng biển Việt Nam

 

Nằm trong Chuỗi Dự án Khí – Điện sử dụng LNG tại tỉnh Bình Thuận, Dự án xây dựng Kho cảng LNG Sơn Mỹ mà PV GAS làm Chủ đầu tư là dự án dầu khí trọng điểm quốc gia, có tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 1,338 tỷ USD; với công suất 3,6 triệu tấn/năm cho giai đoạn 1, lên đến 6 triệu tấn vào giai đoạn 2 và có thể mở rộng lên 10 triệu tấn/năm cho giai đoạn tiếp theo. Kho cảng LNG Sơn Mỹ sẽ tiếp nhận LNG nhập khẩu, xử lý và cung cấp khí LNG tái hóa cho 2 nhà máy điện Sơn Mỹ 1 và Sơn Mỹ 2 có tổng công suất 4,5 GW, dự kiến được đưa vào hoạt động từ năm 2027.

Chuỗi dự án Khí – Điện LNG Sơn Mỹ nói chung và Dự án Kho cảng LNG Sơn Mỹ sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng và tăng trưởng kinh tế – xã hội Việt Nam, đặc biệt ở khu vực miền Trung. Đến nay, Dự án Kho cảng LNG Sơn Mỹ đã chính thức được UBND tỉnh Bình Thuận phê duyệt Chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận nhà đầu tư cho Công ty TNHH Kho cảng LNG Sơn Mỹ.

Công trình Kho LNG 1 MMTPA Thị Vải, Dự án Kho cảng LNG Sơn Mỹ và một dự án kho cảng LNG tương tự tại miền Bắc là chuỗi kế hoạch chiến lược mà PV GAS đang nỗ lực từng bước hiện thực hóa, không chỉ đánh dấu quá trình đầu tư cơ sở hạ tầng LNG vững chãi cho PV GAS, mà còn là những mắt xích quan trọng  trong việc cung cấp và đảm bảo vị thế dẫn đầu “Hành trình năng lượng xanh” tại Việt Nam.

Ấn định mới trên bản đồ LNG thế giới, PV GAS đã và đang chứng tỏ năng lực đáp ứng thị trường, thỏa mãn nhu cầu khách hàng, trên tinh thần tận tâm phục vụ, hài hòa lợi ích, hợp tác bền vững và phát triển dài lâu.