Hàng năm, Cụm công nghiệp Khí – Điện – Đạm Cà Mau, đóng góp ngân sách tại địa phương trên 2.000 tỉ đồng, chiếm 40% – 50% ngân sách của tỉnh Cà Mau.
Đây là thông tin được công bố tạị Hội nghị sơ kết công tác phối hợp vận hành Cụm Khí – Điện – Đạm Cà Mau năm 2018 giữa Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV Gas), Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power) và Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC).
Hệ thống đường ống dẫn khí PM3 – Cà Mau được PV Gas đưa vào vận hành từ năm 2007, giữ vai trò quan trọng trong việc cung cấp khí ổn định cho các hộ tiêu thụ khí, điện, đạm tại khu vực Cà Mau với công suất vận chuyển khoảng 2 tỷ m3 khí/năm, trong đó cấp khí cho 2 nhà máy điện Cà Mau để sản xuất và cung cấp nguồn điện cho lưới điện quốc gia, chiếm trên 7% sản lượng điện toàn quốc; cho Nhà máy Đạm Cà Mau công suất thiết kế 800.000 tấn phân đạm/năm, chiếm 40% sản lượng đạm cả nước.
Để duy trì vận hành liên tục, ổn định và an toàn cho cả hệ thống khí, việc phối hợp chặt chẽ giữa Tổng Công ty Khí Việt Nam là bên cung cấp dịch vụ vận chuyển khí với các chủ mỏ và các hộ tiêu thụ khí là rất quan trọng.
Hội nghị sơ kết công tác phối hợp hoạt động Cụm Khí – Điện – Đạm khu vực Cà Mau là dịp để các bên có cơ hội chia sẻ, thảo luận rộng rãi các vướng mắc, giải pháp khắc phục những tồn tại và phối hợp tốt hơn, giúp cho công tác vận hành, sản xuất của các bên được hiệu quả, đảm bảo toàn bộ hệ thống khí vận hành an toàn, liên tục, sử dụng nguồn tài nguyên quốc gia một cách hiệu quả nhất, góp phần bảo đảm cho sự phát triển bền vững của các đơn vị nói riêng và PVN nói chung.
Trong năm 2018, công tác tiếp nhận và vận hành Nhà máy Khí Cà Mau cũng là một điểm nhấn, có tác dụng nâng tầm chuỗi giá trị Khí – Điện – Đạm Cà Mau.Toàn bộ quá trình tiếp nhận, vận hành thử, đưa vào vận hành ổn định Nhà máy Xử lý Khí Cà Mau đều ghi nhận sự phối hợp giữa các bên tham gia, từ các chủ mỏ, PVEP, PV Gas/PV Gas Cà Mau, PVPower, PVCFC, Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia.
Trong 6 tháng đầu năm 2018, GPP Cà Mau đã xuất sản phẩm gần 79.000 tấn LPG, tăng 42% so với kế hoạch và hơn 3.600 tấn condensate, tăng 15% so với kế hoạch. Tại Hội nghị, các bên đã đóng góp nhiều ý kiến tham luận về những vấn đề cần lưu tâm trong công tác phối hợp thời gian qua, đặc biệt là việc đối phó với các sự cố ngoài giàn khai thác hoặc chất lượng khí về bờ và những tác động đối với toàn bộ hệ thống cũng như từng đơn vị.
Đặc biệt, trước dự báo nguồn cung khí PM3 hiện hữu về bờ có thể suy giảm, đòi hỏi quá trình tìm kiếm nguồn khí bù, đặc biệt là việc nhập khẩu khí cũng được các bên đặt ra những vấn đề cần thảo luận nghiệm túc.
Các bên tham gia Hội nghị đã đề xuất các giải pháp phối hợp trong thời gian tới, triển khai các biện pháp nâng cao độ tin cậy cho hệ thống, kế hoạch phối hợp trong điều độ khí, các biện pháp nhằm tối ưu sản lượng khí giao nhận, thống nhất kế hoạch bảo dưỡng sửa chữa (BDSC) định kỳ để giảm số ngày dừng khí, tăng cường công tác quản lý vận hành để khai thác tối đa công suất các nhà máy điện đạm, đảm bảo tiêu thụ hết khả năng cấp khí theo dự báo, tổ chức trao đổi kinh nghiệm giữa các đơn vị…
Cùng nằm trong chương trình Hội nghị, Công ty Khí Cà Mau – đại diện cho PV Gas cùng với Công ty Điện lực Dầu khí Cà Mau và PVCFC đã thực hiện ký kết Quy trình phối hợp vận hành Cụm Khí – Điện – Đạm Cà Mau được cập nhật khi GPP Cà Mau đi vào vận hành thương mại.
Nội dung chính của Quy trình quy định nhiệm vụ, quyền hạn tất cả các bên; các công tác phối hợp trong ấn định, điều độ, BDSC; phối hợp trong vận hành bình thường và khi có sự cố. Quy trình được cập nhật sẽ là cơ sở để các bên phối hợp nhịp nhàng, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, an ninh lương thực và tăng hiệu quả chế biến sâu của ngành công nghiệp khí cho khu vực Tây Nam bộ.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Đinh Văn Sơn, Thành viên Hội đồng Thành viên PVN cho biết, với vai trò là đầu tàu năng lượng của nền kinh tế đất nước, trọng trách trở thành Tập đoàn kinh tế trụ cột, những công trình, dự án của PVN đang ngày càng chứng tỏ được vị thế trong đời sống kinh tế – xã hội của đất nước, đưa những nguồn năng lượng mới, thân thiện với môi trường để phát triển bền vững và bảo vệ môi trường sống của Việt Nam và toàn cầu.
Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới nhiều biến động, có ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động của PVN, việc phối hợp tốt giữa các bên trong Cụm công nghiệp Khí – Điện – Đạm Cà Mau với sự chỉ đạo kịp thời, sát sao của Lãnh đạo và các ban chuyên môn của PVN sẽ là động lực để duy trì sản xuất kinh doanh, góp phần thực hiện thành công các nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và Chính phủ giao phó.