Hành trình DAK: địa chỉ đỏ, cung đường lịch sử

Hòa chung tinh thần chào mừng ngày Cách mạng tháng Tám 19/8 và Quốc khánh 2/9, Đoàn Thanh niên Công ty Quản lý Dự án Khí (PMC) đã tổ chức Chương trình Đạp xe – Cung đường “Địa chỉ đỏ” trong thành phố Hồ Chí Minh. Đây cũng là hoạt động nhằm rèn luyện sức khỏe, nâng cao đời sống văn hóa và kết nối các thành viên của tập thể PMC tạo một tập thể đoàn kết, vững chắc.

Tổng Công ty Khí Việt Nam PV Gas là đơn vị thành viên thuộc Tập đoàn Dầu Khí quốc gia Việt Nam, hoạt động trên các lĩnh vực thu gom, vận chuyển, chế biến, tàng trữ, phân phối và kinh doanh các sản phẩm khí trên phạm vi toàn quốc và mở rộng ra thị trường quốc tế. PV Gas (PetroVietnam Gas) có nhiều công ty thành viên, bao gồm: Công ty Bọc ống Dầu khí (PV COATING), Công ty Cổ phần Phân phối Khí thấp áp Dầu khí Việt Nam (PV Gas D), Công ty CP Kinh doanh Khí miền Nam (PV Gas South), Công ty Cổ phần Kinh doanh Khí miền Bắc (PV Gas North), Công ty Cổ phần Sản xuất ống thép Dầu Khí Việt Nam (PV Pipe), Công ty cổ phần CNG Việt Nam (CNG), Công ty liên danh LNG Việt Nam (LNG).

Cung đường “Địa chỉ đỏ” nằm trong nội ô Thành phố Hồ Chí Minh, với nhiều địa điểm mang dấu ấn lịch sử trong quá trình đấu tranh giành lại độc lập của dân tộc Việt Nam. Cung đường được các bạn trẻ PMC nghiên cứu và thiết kế, ghi dấu ấn lịch sử, tôn vinh hình ảnh Sài Gòn – Tp.Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, cung đường cũng đảm bảo tính thuận tiện, vừa sức và tạo cảm quan xanh tươi, vui vẻ cho các thành viên tham gia hành trình.

Đoàn tham gia Chương trình Đạp xe - Cung đường “Địa chỉ đỏ” của PMC
Đoàn tham gia Chương trình Đạp xe – Cung đường “Địa chỉ đỏ” của PMC

Từ mờ sáng ngày Chủ nhật 21/8, đoàn Đạp xe – Cung đường “Địa chỉ đỏ” đã tập trung đông đủ, nghe hướng dẫn của hướng dẫn viên. Trong màu áo khác lạ của những ngày thường nơi công sở, cảm xúc bên nhau ngay từ đầu đã rất hào hứng, vui vẻ; bắt đầu ngay cuộc hành trình hứa hẹn nhiều điều thú vị.

Cầu Mống – Địa điểm đầu tiên Đoàn tham quan. Đây là cây cầu cổ nhất tại Thành phố Hồ Chí Minh, có thể được coi như chứng nhân lịch sử cho toàn bộ quá trình phát triển của Sài Gòn xưa và TP Hồ Chí Minh hiện tại. Đứng tại đây, đoàn chúng tôi có thể nhìn thấy gần như toàn bộ các công trình nổi tiếng trong nội ô của Thành phố. Bật mí nhé: có không ít các thành viên của đoàn lần đầu tiên bước chân lên cây cầu xinh đẹp này, giữa không gian thoáng đãng của buổi sáng.

Đi qua Cầu Mống - cây cầu cổ nhất tại Thành phố Hồ Chí Minh
Đi qua Cầu Mống – cây cầu cổ nhất tại Thành phố Hồ Chí Minh

Cách 300m là Bảo tàng Hồ Chí Minh – Bến Nhà Rồng. Chúng tôi được đứng ngay tại nơi mà vào ngày 05/6/1911, Bác Hồ đã lên tàu Amiral Latouche Tréville bắt đầu cuộc hành trình tìm đường cứu nước cho dân tộc. Tại đây, đoàn đã được tham quan các hiện vật, hình ảnh và tìm hiểu thêm về những tư liệu, ghi lại những hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời kỳ kháng chiến.

Điểm tiếp theo đoàn dừng lại sau một chặng đường đạp cùng dòng người qua lại trên các con đường đang háo hức chào ngày mới là Dinh Độc Lập. Sau 30 năm kể từ ngày Bác Hồ đọc tuyên ngôn Độc lập, nơi đây là chứng nhân của rất nhiều sự kiện lịch sử, mà dấu son rực rỡ nhất chính là hình ảnh lá cờ Giải phóng tung bay vào ngày 30/4/1975 – đánh dấu thắng lợi hoàn toàn của cuộc kháng chiến chống Mỹ, thống nhất đất nước của quân và dân Việt Nam.

Lưu niệm trước Bảo tàng Hồ Chí Minh - Bến Nhà Rồng
Lưu niệm trước Bảo tàng Hồ Chí Minh – Bến Nhà Rồng

Mặt trời lên cao nhưng đoàn vẫn tiếp tục những vòng quay xe đạp trên con đường Cách Mạng Tháng Tám, để đến thăm Tượng đài Thích Quảng Đức, ngay góc ngã tư Cách Mạng Tháng Tám- Nguyễn Đình Chiểu. Nơi đây ghi dấu sự kiện Hòa thượng Thích Quảng Đức đã tự thiêu để phản đối chế độ độc tài Mỹ – Diệm, kỳ thị tôn giáo và áp bức các phong trào đấu tranh vì hòa bình, dân chủ và dân sinh. Ngọn lửa đã thổi bùng lên tinh thần đấu tranh dũng cảm của đông đảo Tăng ni phật tử những người yêu nước, thúc đẩy phong trào cách mạng của miền Nam, dẫn đến nhiều thắng lợi to lớn.

Địa điểm cuối cùng của cuộc hành trình dọc trên trục đường Nguyễn Đình Chiểu, Đoàn dừng chân tại Café Đỗ Phủ, cùng địa chỉ với một căn hầm bí mật được công nhận di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia. Đây là nơi Biệt động Sài Gòn đào hầm cất giấu vũ khí, chuẩn bị cho trận đánh vào dinh Độc Lập trong chiến dịch Tết Mậu Thân 1968.

“Chinh phục” điểm đến lịch sử ở trung tâm thành phố: Dinh Độc lập
“Chinh phục” điểm đến lịch sử ở trung tâm thành phố: Dinh Độc lập

Chương trình Đạp xe – Cung đường “Địa chỉ đỏ” kết thúc trong buổi sáng Chủ nhật thật lý thú, nhiều cảm xúc, khi được tham quan những di tích lịch sử, được nghe và ôn lại những dấu ấn khó quên của một thời hào hùng với tinh thần chiến đấu bất khuất của dân tộc.

Cung đường dài khoảng 20km nhưng toàn đoàn, ngay cả những em nhỏ theo đoàn cũng cảm thấy như được tăng thêm sức khỏe.  Một tuần mới bắt đầu với tinh thần tập thể hào hứng, đúng như lời Bác đã nói “Sức khoẻ của cán bộ và nhân dân được đảm bảo thì tinh thần càng hǎng hái. Tinh thần và sức khoẻ đầy đủ thì kháng chiến càng nhiều thắng lợi, kiến quốc càng mau thành công”.

Các em nhỏ hào hứng theo đoàn xe đạp của PMC
Các em nhỏ hào hứng theo đoàn xe đạp của PMC